Hoại tử chỏm xương đùi do đâu gây ra?

Hoại tử chỏm xương đùi phát triển khi nguồn cung cấp máu đến chỏm xương đùi bị gián đoạn. Nếu không được nuôi dưỡng đầy đủ, xương ở đầu xương đùi bị chết và xẹp dần. Hậu quả là sụn khớp bao bọc xương hông cũng bị xẹp xuống, dẫn đến tình trạng viêm khớp gây tàn phế. Nếu vẫn chưa hình dung được về căn bệnh này, mời bạn xem bài viết y khoa tổng quát về hoại tử chỏm xương đùi. 

Nguồn cung cấp máu giảm có thể do:

Chấn thương khớp hoặc xương:  như trật khớp, có thể làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi. Các phương pháp điều trị ung thư liên quan đến bức xạ cũng có thể làm suy yếu xương và gây hại cho các mạch máu.

Chất béo lắng đọng trong mạch máu, khí trong lòng mạch ( thợ lặng biển, ..) có thể gây tắc nghẽn các mạch máu nhỏ, làm giảm lưu lượng máu nuôi xương.

Một số bệnh về máu chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh Gaucher, cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến xương.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi từ 40 đến 65. Nam giới phát hiện nhiều hơn  nữ giới.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ

Không phải lúc nào người ta cũng tìm ra nguyên nhân gây tình trạng thiếu nguồn cung cấp máu, nhưng các bác sĩ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ có thể khiến ai đó có nhiều khả năng bị hoại tử xương:

Vết thương: Trật khớp háng, gãy xương khớp háng, cổ xương đùi, liên mấu chuyển và các chấn thương khác ở hông có thể làm hỏng mạch máu và làm giảm lưu thông đến chỏm xương đùi.

Lạm dụng rượu bia: Uống quá nhiều rượu theo thời gian có thể gây tích tụ chất béo trong mạch máu và có thể làm tăng nồng độ cortisone, dẫn đến giảm lượng máu cung cấp cho xương.

Lạm dụng thuốc corticosteroid: nhiều bệnh nội khoa mạn tính bao gồm hen suyễn, viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống, được điều trị bằng thuốc steroid. Mặc dù không biết chính xác lý do tại sao những loại thuốc này có thể dẫn đến hoại tử xương, nhưng nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa căn bệnh này và việc sử dụng corticosteroid lâu dài.

Các bệnh liên quan khác: bao gồm bệnh Caisson (bệnh thợ lặn hay “bệnh uốn cong”), bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn tăng sinh tủy, bệnh Gaucher, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, thuyên tắc động mạch, huyết khối và viêm mạch.

Ngoài ra, có 25% những bệnh nhân mắc hoại tử chỏm xương đùi không tìm thấy nguyên nhân.

Cuối cùng, hãy điều trị hoại tử chỏm xương đùi sớm nhất có thể vì nếu không, bạn phải điều trị với các phương pháp đòi hỏi cao hơn. Để hiểu rõ về các phương pháp điều trị dành cho căn bệnh này, mời bạn xem qua bài viết sau.